Skip to Content
TỔNG QUAN
TIN TỨC - SỰ KIỆN






Visitor Tracking Visitor Tracking

User Online: 598
Access in week: 30
Access in month: 7601
Access in year: 213186
Total visited: 1328247

HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THỂ HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THỂ

HOA LÂM VIÊN VÀ NHỮNG DẤU ẤN TRIỀU LÝ
Publish date 01/11/2024 | 16:00  | Lượt xem: 137

Không xa Thăng Long, sông Thiên Đức bắt nguồn từ sông Hồng chảy qua Du Lâm, đầm Ái Mộ, xã Yên Viên, Phù Đổng, chảy đến Bắc Ninh, qua làng Cổ Pháp (hương Diên Uẩn, Dương Lôi) quê nội của Lý Công Uẩn.

         Không xa Thăng Long, sông Thiên Đức bắt nguồn từ sông Hồng chảy qua Du Lâm, đầm Ái Mộ, xã Yên Viên, Phù Đổng, chảy đến Bắc Ninh, qua làng Cổ Pháp (hương Diên Uẩn, Dương Lôi) quê nội của Lý Công Uẩn.

          Từ kinh đô, vua đi thuyền rồng theo sông Hồng rẽ vào Thiên Đức, bờ sông ngày càng được sửa sang để thuyền rồng ghé bờ thuận lợi, đưa vua về thăm quê. Lý Thái Tổ cho xây Thái miếu thờ cha ở Dương Lôi, phủ Thiên Đức xưa (nay thuộc Bắc Ninh) và nhà Thái đường thờ mẹ ở Hoa Lâm (ông phong thân mẫu là Minh Đức Thái Hậu). Tại Hoa Lâm, vua cho lập ly cung ngự uyển ở trang Cối Giang (dân gian gọi là làng Cói), Hoa Lâm viên, sau này đặt tên cho xã Hoa Lâm.

          Mới đây, GS-TS sử học Nguyễn Quang Ngọc nêu những dẫn chứng đáng lưu ý: Bia “Lý gia linh thạch” ở chùa Tiêu Sơn, Bắc Ninh ghi: “Bấy giờ có Phạm mẫu người Hoa Lâm, Đông Ngàn hay qua vãng cảnh chùa.”Câu đối ở hậu cung đình thôn Thái Đường (nay là thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, Đông Anh) ghi “Lý triều quốc mẫu cố hương tại”. Việt sử thông giám cương mục cũng giải thích rõ ràng: “Thái Đường: tên thuộc huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, chỗ này là hành cung nhà Lý trước”. Những hiện vật khảo cổ tại Hoa Lâm viên cũng khẳng định về sự tồn tại một công trình kiến trúc quan trọng thời Lý tại đây.

 Lan can hình sấu đá được tìm thấy tại Hoa Lâm viên năm 1999.

          Xã Mai Lâm nay đã qua 1.000 năm, vẫn còn tên thôn mang đậm dấu ấn xưa. Thôn Thái Đường có nhà thờ thân mẫu vua Lý là bà Phạm Thị Ngà (Minh Đức Thái Hậu). Du Lâm từng có rừng cây um tùm, vua thường du ngoạn khi dâng hương thờ thân mẫu. Đông Trù đặt bếp nấu cỗ thờ hoặc soạn tiệc. Lộc Hà, nơi quân tướng cận thần hưởng lộc, cùng các thôn Danh Lâm, Mai Hiên, Lê Xá… Sông Thiên Đức xưa đã thực sự trở thành tuyến đường tình cảm nối kinh đô và nhà vua Lý với quê hương và thân tộc.

           Kết quả mới nhất của khảo cổ học càng xác nhận một vệt văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc thời nhà Lý, còn bị vùi lấp mười thế kỷ, dọc theo dòng sông này. Vào thời Lý Thánh Tông, năm 1108, phường Cơ Xá của Thăng Long khởi sự đắp đê bảo vệ kinh thành. Đến đời Trần (1225-1400) và đời Lê Sơ (1428-1527), hệ thống đê Nhị Hà ngày càng cao lên, mở thêm, làm thay đổi dần dòng chảy của sông Hồng, hung dữ hơn. Để phân lũ, sông Đuống ngày càng mở rộng hơn, chảy xiết hơn từ Tây sang Đông, chia Bắc Ninh thành hai phần Nam và Bắc. Dâu Keo, Đình Bảng không còn ngập lụt, nhưng sông Tiêu Tương và sông Dâu trở thành những con sông “chết”, chỉ để lại những đoạn đầm nước uốn lượn. Hoa Lâm viên thuộc bên bờ lở của sông Đuống, các di tích gắn với triều Lý ở đây cũng bị xâm lấn mất dần, sau này nhân dân đã di dời và bảo vệ được một phần di tích.

         216 năm của vương triều Lý, đất nước hưng thịnh vào 6 đời vua, từ Thái Tổ đến Anh Tông. Đó là giai đoạn thực thi chính sách thân dân, chăm lo đời sống trăm họ, phát triển kinh tế, giữ yên bờ cõi, phép nước nghiêm luật, muôn dân yên bình. Hai thế kỷ gắn bó với triều Lý, Mai Lâm với tám thôn, dân sống an lạc. Từ đời Cao Tông, vương triều suy vong rồi mất ngôi vào tay họ Trần, mở ra thời đại mới của Đại Việt. Theo sử liệu và dân gian truyền lại, ở Thái Đường, vào năm 1232 đã xảy ra vụ thảm sát những nhân vật quan trọng trong thân tộc nhà Lý. Sử gia của các thời đại khác nhau cũng còn nghi ngờ điều ấy có xảy ra thực hay không. Nhưng trên thực tế, cuộc chuyển giao giữa hai triều đại Lý và Trần chắc cũng còn nhiều điều bí ẩn.

           Nhưng cũng lại có những chuyện thực. Tại Hoa Lâm, chi tộc Lý Quang Bật đã phải bỏ quê chạy lên xứ Lạng; ai còn lại đều phải đổi sang họ Nguyễn. Gia phả và nhà thờ họ Nguyễn gốc Lý tại thôn Du Nội còn ghi rõ. Mai Lâm ngày nay còn ghi nhận những địa danh như: đồng Bẫy Sập, mộ Hùng Công, miếu Âm Hồn, bãi Tổng Binh, ao Sau Dinh, cầu Giá Ngự… gắn với những sự kiện vui, buồn của thời Lý. Một ngàn năm qua đi mà những địa danh này vẫn còn đó, ghi lại dấu tích xa xưa ở một vùng quê.

         Khi nhà Trần lên ngôi, nhà Thái đường thờ Lý mẫu đã bị phá bỏ. Nhà chức trách lo ngại các cuộc thờ phụng và cúng giỗ sẽ là dịp tụ tập họ tộc, khơi lên mối thù hận về những nỗi đau của dòng họ. Trên nền nhà Thái đường, dân Hoa Lâm đã dựng đình làng thờ ba vị Thành hoàng là Lý Chiêu Hoàng, Trần Cảnh và Trần Thủ Độ.

         Vậy là địa danh vốn thờ Lý mẫu đã sinh ra nhà Lý, nay lại ghi công vị vua cuối cùng của nhà Lý, bà Lý Chiêu Hoàng, người đã kết thúc một cách êm đẹp một triều đại. Cạnh đó là Trần Cảnh, người đã dựng nên cơ nghiệp nhà Trần, cùng Thái sư Trần Thủ Độ, người đã dẫn dắt nhiều sự kiện lịch sử giữa hai triều đại. Dân Hoa Lâm coi những nhân vật ấy đều là người có công tạo nên những đổi thay, gây dựng thời hưng thịnh của đất nước. Ngày nay trong đình của thôn Thái Bình (làng Cói) còn có đôi câu đối:

Mạch tụ quân vương truyền thánh địa.

Tích lưu Lý mẫu quán danh phương.

         Ghi nhận rằng: đất thánh này đã hội tụ các vị vua, cũng là di tích nhớ Lý mẫu. Dưới lòng đất những bí ẩn lịch sử tích tụ lại nhiều thế kỷ qua. Trong lòng người dân, vẫn dành phần tâm linh hướng về nguồn cội, biết ơn những người có công với nước. Chuyện vui hay buồn của lịch sử được truyền tụng đời nọ qua đời kia, được hiểu như những định mệnh, lịch sử đã xui khiến để các triều đại nối tiếp nhau như vậy.

        Tám thôn của xã Mai Lâm nay đều còn đình, chùa, miếu là những di tích có từ lâu đời, nằm trong đời sống tâm linh của nhân dân và gắn với các triều Lý, Trần. Chùa Diên Phúc, vào thế kỷ thứ XIII, khi nhà Trần đã nắm quyền, nhà Thái đường đã bị phá, chùa đã thờ Lý mẫu Phạm Thị Ngà. Rất tiếc những sắc phong cho đình làng qua các triều đại, bị mất mát qua chiến tranh, không còn giữ được. Nhưng ngày nay, ở thôn Thái Bình có hai di tích là đình làng và chùa Diên Phúc đều đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Cả hai di tích này đều đã chuyển từ ngoài đê sông Đuống vào trong đê, vì sông uốn dòng đã lở tới.

         Những gì còn lại ở một vùng quê yên ả, kề sát với kinh thành xưa, ngay bên Cổ Loa, hai lần được An Dương Vương và Ngô Quyền chọn làm kinh đô nước Việt, nhắc nhớ tới Thăng Long, tới Lý Công Uẩn và triều Lý cùng lịch sử cả 1.000 năm qua. Còn đó tấm lòng thủy chung và trân trọng những giá trị mà các thế hệ trước đã để lại trong lòng người dân quê Hoa Lâm viên xưa. Đây là mảnh đất thiêng, đã gắn bó với sự phát tích các đời vua Lý, mảnh đất đã thấm đậm ý tưởng đẹp và những chuyện buồn vui, thăng trầm của lịch sử. Những giá trị tinh thần ấy một ngàn năm qua trở thành hành trang cho các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn trong cõi tâm thức thiêng liêng; và chắc chắn sẽ còn gắn bó với người dân nơi đây trong chặng đường đi tiếp tới tương lai.

                                                                                                          Nguồn: sưu tầm